Khi thị trường tài chính Việt Nam chưa thật sự phát triển, vấn đề về vốn cho hoạt động của doanh nghiệp luôn là một bài toán làm đau đầu các nhà quản trị.
Thực tế cho thấy, việc đổi mới công nghệ cho máy móc thiết bị ở các doanh nghiệp sản xuất là một đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh hội nhập để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng suất lao động, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phần lớn các trang thiết bị của nhiều doanh nghiệp đã lạc hậu so với các nước tiên tiến. Song, câu hỏi nan giải vẫn là: lấy vốn từ đâu? Hiện nay, lượng vốn dài hạn đầu tư cho các dự án này ở các doanh nghiệp Việt Nam là hết sức khiêm tốn. Kênh tài trợ quen thuộc vẫn là đi vay ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp mới ra đời không có đủ tài sản đảm bảo cũng như uy tín, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng quả là khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, thuê tài chính là một giải pháp tối ưu.
Vậy, thuê tài chính khác gì với thuê thông thường mà nó lại có khả năng là một kênh tín dụng hữu hiệu cho doanh nghiệp?
CÁC HÌNH THỨC CỦA THUÊ TÀI CHÍNH
Nếu máy móc, trang thiết bị do chính doanh nghiệp lựa chọn và thỏa thuận với công ty cho thuê tài chính để mua tài sản đúng nhãn hàng mình cần thì hình thức đó gọi là thuê tài chính. Ngoài ra, thuê tài chính còn có một hình thức khá phổ biến nữa là hình thức bán rồi thuê lại (Sale and lease back). Công ty cho thuê tài chính sẽ mua tài sản của doanh nghiệp, trả tiền mua tài sản cho doanh nghiệp và cho doanh nghiệp thuê lại tài sản đó.
Trên thế giới, cho thuê tài chính đã xuất hiện từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Các sản phẩm cho thuê tài chính ngày càng đa dạng, từ máy fax, máy photocopy cho đến mua bán xe tải, máy bay, tàu thủy… Tập đoàn IBM tại Mỹ còn thuê cả máy vi tính. Việt Nam Airlines cũng đã thuê máy bay của TEAC, AirFrance,…
Ở Việt Nam, hoạt động này có mặt từ năm 1995 sau quyết định số 149/QĐ - NH5 ngày 17/5/1995 của NHNNVN. Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động cho thuê tài chính trong những năm gần đây bước đầu cho thấy được ưu điểm nổi trội của kênh tín dụng này đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP
Thông thường, đối với các khoản vốn vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại luôn đòi hỏi tài sản đảm bảo (thế chấp hoặc cầm cố) và chỉ cho vay tối đa 80% tổng chi phí thực hiện dự án. Tuy nhiên, với kênh cho thuê tài chính, doanh nghiệp chẳng những không cần tài sản thế chấp mà còn có thể được tài trợ đến 100% vốn đầu tư. Lãi suất cho thuê hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của 2 bên.
Kênh tín dụng này cũng cho phép doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn máy móc thiết bị, nhà cung cấp, cũng như mẫu mã, chủng loại phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mình.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp đã lỡ đầu tư mua tài sản mà thiếu vốn lưu động thì vẫn có thể bán lại cho công ty cho thuê tài chính và sau đó, công ty sẽ cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy, doanh nghiệp vừa có vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn được sử dụng tài sản.
Kết thúc thời hạn thuê, doanh nghiệp được quyền ưu tiên mua lại tài sản với giá trị danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm mua lại.
Bên cạnh đó, một ưu điểm vô cùng quan trọng nữa của hình thức cho thuê tài chính là lợi ích được hưởng từ tấm chắn thuế. Tài sản cho thuê tài chính vẫn là tài sản cố định của bên đi thuê; do đó, bên đi thuê được phép khấu hao tài sản đó và được giảm thuế thu nhập phải nộp. Mặt khác, bên đi thuê phải trả chi phí thuê, chi phí đó được khấu trừ trước thuế nên cũng làm giảm thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp.
Qua những nét phác họa cơ bản trên, kênh tín dụng cho thuê tài chính có thể là một sự lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có nhu cầu.
Xem thêm thông tin tại Facebook Chailease Việt Nam: https://www.facebook.com/chaileasevietnam/