En    

Hotline

028 7301 6010

Service Hotline 028 7301 6010
Nhận tin
  En    

NHÂN VIÊN CÓ PHẢI LÀ “NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN” PHẠM TỘI THAM NHŨNG?

Số 1/ Quý VI 2024

Định nghĩa và tầm quan trọng của Phòng, chống tham nhũng trong ngành tài chính – ngân hàng

 

Những viên gạch đầu tiên…

Tham nhũng là một vấn đề hiện hữu và có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, xã hội đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến tài chính và ngân hàng. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” và đây sẽ là định nghĩa được sử dụng trong bài viết này và các bài viết liên quan đến phòng, chống tham nhũng về sau. Như vậy, có thể thấy, tham nhũng là hành vi chỉ có thể được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn. Điều này đặt ra câu hỏi: một nhân viên trong tổ chức, doanh nghiệp liệu có được coi là người có chức vụ, quyền hạn không?

Các quy định về “người có chức vụ, quyền hạn” theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Để giải đáp câu hỏi này, ta đi đến quy định về “người có chức vụ, quyền hạn” theo Luật Phòng, chống tham những 2018 như sau:

“Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi này là có. Bởi lẽ, người có chức vụ, quyền hạn không chỉ là những cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước mà còn là bất kỳ ai được giao nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Bởi lẽ đó, mỗi cá nhân đều có thể trở thành chủ thể của hành vi tham nhũng.

Từ đây, chúng ta có thể nhận thấy rằng phòng, chống tham nhũng không phải là công việc của riêng một cá nhân hay cơ quan cụ thể, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người cần ý thức được vai trò của mình trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống lại nó. Trong bối cảnh ngành tài chính – ngân hàng, một ngành đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm cao, vai trò của từng nhân viên trong việc phòng, chống tham nhũng lại càng trở nên quan trọng.

Phòng chống tham nhũng: trách nhiệm của xã hội, cơ quan và cá nhân

Phòng chống tham nhũng: trách nhiệm của xã hội, cơ quan và cá nhân

Trách nhiệm phòng chống tham nhũng của nhân viên trong công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease (CILC).

Tại Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease (CILC), mỗi nhân viên không chỉ đơn thuần là người thực hiện công việc được giao, mà còn phải là một mắt xích quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng, chống tham nhũng. Có thể thấy, một tổ chức không chỉ được xây dựng từ những quy định, nguyên tắc mà còn bởi thái độ và trách nhiệm của từng thành viên của tổ chức đó. Vì vậy, trong quá trình phòng, chống tham nhũng, một cá nhân nói không với tham nhũng tuy có vẻ nhỏ bé nhưng tất cả cá nhân trong tổ chức đều nói không với tham nhũng, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng sẽ đưa đến những tác động tích cực lớn hơn chúng ta tưởng. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nơi mà các giao dịch tài chính được diễn ra hàng ngày, hàng giờ, việc đòi hỏi tính minh bạch và sự liêm chính là điều tất yếu và hết sức quan trọng.

Vậy thì làm sao và bằng những cách nào để chúng ta – mỗi một nhân viên của CILC, những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có thể góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng?

Đầu tiên, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng. Dù bạn là nhân viên hay lãnh đạo đảm nhiệm chức vụ cao hơn, mỗi quyết định, mỗi hành động của bạn đều có thể là nhân tố ảnh hưởng đến sự minh bạch và liêm chính của toàn hệ thống. Ví dụ, A là một nhân viên thường xuyên tiếp xúc với các khoản thanh toán, tuy nhiên A lại thực hiện các hành vi như lập hóa đơn sai lệch hoặc phê duyệt những giao dịch không đúng quy trình để nhận khoản tiền chênh lệch cho bản thân. Như vậy, hành vi kể trên của A chính là hành vi tham nhũng và rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Có thể thấy, khi từng cá nhân nhận thức rõ vai trò của mình, cá nhân đó không chỉ đang thực hiện trách nhiệm chỉ với CILC mà còn là trách nhiệm đối với sự trong sạch của chính bản thân mình.

Thứ hai, tuân thủ các quy trình nội bộ, quy định của pháp luật một cách nghiêm ngặt. Điều này là vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Chẳng hạn, trong quy trình phê duyệt khoản giải ngân yêu cầu các bước kiểm tra thông tin khách hàng, xác minh khả năng tài chính và kiểm tra lịch sử tín dụng, nếu một nhân viên lạm dụng vị trí công tác mà bỏ qua những bước này có thể dẫn đến những khoản giải ngân không an toàn. Như vậy, có thể thấy rõ sự tuân thủ này không chỉ bảo vệ tài sản của công ty, giúp công ty tránh khỏi những thất thoát, rủi ro không đáng có mà còn giúp hạn chế các rủi ro từ các hành vi tham nhũng. Nhờ vậy, công ty có thể vận hành ổn định hơn, tránh thất thoát và nhân viên cũng giảm thiểu những sai phạm có thể dẫn đến tham nhũng.

Thứ ba, phòng, chống tham nhũng bằng sự minh bạch trong công việc. Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đây phải được coi là một nguyên tắc bất khả xâm phạm bởi lẽ, mọi giao dịch, quyết định tài chính cần được thực hiện với sự rõ ràng, không có sự mập mờ hay ẩn khuất. Nếu một giao dịch có dấu hiệu không minh bạch, chúng ta không thể bỏ qua hay làm ngơ nó, mà cần phải xem xét và xử lý theo đúng quy trình nội bộ và quy định pháp luật. Có thể thấy, khi mọi giao dịch được minh bạch và rõ ràng, hệ thống tài chính sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ tham nhũng.

Trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, mỗi một cá nhân là một nhân tố quan trọng và không ai đứng ngoài “cuộc chiến” này. Để đạt được sự minh bạch và liêm chính, ngăn chặn tham nhũng tại Việt Nam nói chung và tham nhũng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng, mỗi nhân viên của tổ chức cần đóng vai trò là một “viên gạch” nhỏ góp phần xây dựng nên một hệ thống tài chính lớn vững mạnh, trong sạch. Chính những đóng góp từ mỗi cá nhân sẽ giúp tạo dựng một môi trường tài chính – ngân hàng trong sạch, đáng tin cậy, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Trong bối cảnh hiện tại, với sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ các cơ quan quản lý và sự kỳ vọng lớn từ cộng đồng, việc phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng. Chỉ khi mỗi cá nhân trong chúng ta thấu hiểu và hành động vì sự minh bạch trong lĩnh vực này, chúng ta mới có thể góp phần thực sự vào việc xây dựng một môi trường tài chính minh bạch và phát triển bền vững.

- Còn tiếp -

 


Tin tức khác

Mạng lưới quốc tế